Bộ The Secret Doctrine và Khoa Học

Bộ The Secret Doctrine
và Khoa Học

 

Bộ The Secret Doctrine (SD) được ấn hành năm 1888, một thế kỷ sau có nhiều người đã bỏ công lượng xét giá trị của sách đối với khoa học, và chắc hẳn trong tương lai sẽ còn nhiều sách ra đời bàn về chuyện này.

Phần dưới đây được phỏng dịch một đoạn từ cuốn HPB của Sylvia Cranston có dụng ý trên.

Năm 1988 đánh dấu 100 năm xuất bản cuốn SD, nhân dịp ấy một số buổi hội thảo về bộ sách được tổ chức tại Mỹ, Âu châu và Ấn độ. Cuộc họp tại Mỹ có nhận xét rằng:
Khó mà tưởng tượng là một nhà phê bình sách SD năm 1888 tin rằng nó sẽ được tái bản nhiều lần, bởi đó là bộ sách đồ sộ, 1500 trang, bàn về triết lý tôn giáo Á đông lẫn với khoa học của thế kỷ 19 và một số lý thuyết giờ đây đã lỗi thời. Vậy mà sau 100 năm, bộ SD vẫn đều đặn tái bản và tiếp tục được các khoa học gia và học giả nghiên cứu. Dưới đây ta lần lượt xét vài ngành khoa học mà tiến bộ trong ngành cho thấy tương ứng với lời bàn trong SD.

I- Vật Lý

Điều gì về bộ SD làm cho nó sống mãi và tiếp tục ảnh hưởng tư tưởng thế giới ngày nay, trong khi những tác phẩm khác bị quên lãng ? Có lẽ chính vì đó là sách viết cho thế kỷ 20, ra mắt trước thời đại 100 năm. Nếu không nhờ tác giả bộ sách có thế tiên đoán những khám phá mới mẻ trong tương lai, bộ sách hẳn đã trở nên lỗi thời so với bước tiến của khoa học. Mặc dù vậy HPB đã đoán trước rằng chỉ vào thế kỷ 20, một phần lớn - nếu không được toàn bộ - của sách mới được chứng nghiệm (2: 242).
Một lời tiên đoán trong SD cũng làm người ta chú ý, vì nói rõ ngày tháng việc sẽ tới (1: 611).
“Sự hiểu biết chính xác về những bí ẩn trong thiên nhiên chỉ có thể được tìm thấy trong khoa học bí truyền đông phương. Chúng quá đỗi sâu xa và rộng rãi nên rất ít các đạo gia cao cả nhất (initiates) có thể lãnh hội hiểu biết ấy, và chỉ có một số nhỏ bậc đạo sư (adepts) biết đến sự hiện hữu của các Vị này. Nhưng các hiểu biết ấy nằm sẵn đó, lần lượt theo cách làm việc của thiên nhiên, khi thời cơ đến sẽ được khoa học khám phá từng điều một, những cá nhân hiếm hoi sẽ được trợ giúp một cách lạ lùng để tìm ra chúng.
Các phát lộ ấy thường xẩy ra vào cuối những chu kỳ lớn, có liên hệ đến sự phát triển các giống dân. Hiện nay ta ở vào chặng cuối cùng của chu kỳ Kali Yuga dài 5000 năm, và từ đây (1888) đến 1897 thiên nhiên sẽ tiết lộ nhiều điều lớn lao, và khoa học thuần vật chất sẽ lãnh đòn trí mạng.”
Lời tiên đoán có hai phần, phần thứ nhất làm cho ta đặt câu hỏi là trong khoảng 9 năm nêu ra đó, đã có khám phá đáng kể nào trong khoa học ? David Deitz trong cuốn the New Outline of Science cho cái nhìn tổng quát là vào cuối thế kỷ 19, năm 1893 các nhà vật lý học nghĩ rằng họ đã tìm ra hết mọi chuyện, có lẽ những khám phá vĩ đại về vật lý được thực hiện cả rồi nên trong tương lai vật lý gia chẳng còn gì để làm khác hơn là nhắc lại, hay làm cho hay hơn những  thí nghiệm đã thực hiện, như đo cho chính xác hơn trọng lượng nguyên tử một chất.
Thế rồi hai năm sau, ngày 28-12, 1895 Roentgen trình bản báo cáo đầu tiên về tia X và như vậy đi ngược lại nhận xét ở trên năm 1893, là không còn khám phá nào xẩy ra nữa. Tia X là hiện tượng lạ lùng, xuyên thấu được vật chất làm mọi người hăm hở tìm hiểu. Phát minh kế là phóng xạ, đến vài tuần sau thông báo của Roentgen, do Becquerel thực hiện đầu năm 1896.
Hiện tượng phóng xạ được nhà vật lý học Millikan coi là một cách mạng trong tư tưởng loài người, là khám phá kinh ngạc nhất và khuấy động óc tưởng tượng nhất, bời nó phá tan ý nghĩ là các hóa chất không thể bị biến đổi, và làm cho ước mơ của nhà luyện kim có thể thành sự thực.

Khám phá quan trọng nhất đến vào năm 1897, với việc J.J. Thomson tìm ra âm điện tử. Millikan cho đây là phát hiện hữu ích cho nhân loại, vì sinh ra vô số ứng dụng vào radio, truyền thông đủ loại, màn ảnh và trong hàng chục kỹ nghệ khác.
Vài áp dụng cụ thể cũng đã nẩy sinh từ SD. Herbert S. Turner, người phát minh ra dây cáp điện thoại đặt ngang qua nước Mỹ trong cuối thập niên 40, đã đi tới ý này khi đọc đoạn văn  1:129-32 trong SD, từ ý khoa học bí truyền ông liên tưởng đến các lực thiên nhiên.
Về phần thứ hai của lời tiên đoán, Millikan trong cuốn Time, Matter and Values kết luận sau khi điểm qua những phát minh mới rằng môn vật lý giáo điều thuần vật chất đã chết; người khác (1) ghi thêm:
“Đường lối cũ phải rút lui hoàn toàn, khoa vật lý hóa ngẩn ngơ, sững người trong phút chốc vì bao câu hỏi nghiêm trọng ùa tới. Lý thuyết thuần vật chất bị sụp đổ tan tành.”

Ba phát lộ mới tiếp theo sau việc khám phá âm điện tử khiến lung lay thêm nền móng của lý thuyết thuần vật chất:

* 1893: Marie và Pierre Curie tìm ra chất radium.
*  1900: Động lực học quantum. Max Plank trình bầy rằng vật chất phát ra sóng điện từ có cả hai bản chất sóng và hạt của khoa vật lý cổ điển, và âm điện tử nhẩy từ vân đạo này sang vân đạo khác (quantum leap). Đây là khái niệm tách xa với thuyết động năng (mechanistic doctrine).
*  1905: Phương trình  E=mc2 của Einstein, nhìn nhận rằng vật chất tương đương với năng lượng. Như đã nói trong bài 100 năm sau, Einstein luôn luôn có một bộ SD trên bàn làm việc của mình.

Bộ SD chứa đựng nhiều tư tưởng mà khoa học thời HPB bác bỏ rồi sau này lại được chứng nghiệm là đúng thực, vì thế ta tin tưởng được là rất có thể những sự thực mà sách chỉ nói lướt qua mai sau sẽ được nhìn nhận. Dưới đây là ba thí dụ cho thấy sách nói trước về ba khám phá mà sau này đã xảy ra trong ngành vật lý, còn nhiều trường hợp tương tự được ghi lại trong quyển Blavatsky Foreknowledge of Twentieth Century Science của Reed Carson sắp được xuất bản.

1- Nguyên tử phân chia được.

Newton cho rằng vật chất gồm những hạt (mà sau này ta gọi là nguyên tử) cứng chắc không gì xuyên thấu, chúng là căn bản cho mọi chất liệu trong thiên nhiên. Khoa học gia chấp nhận ý này từ thời đó, nhưng khi âm điện tử được khám phá năm 1897, những hạt này không còn là đơn vị căn bản nữa, vì nguyên tử nay có thể bị phân chia. SD nói rằng nguyên tử phân chia được, và chắc chắn nó gồm những phần nhỏ hơn. Trọn khoa huyền bí xây dựng trên triết lý về tính chất giả tạm của vật chất, cùng việc nguyên tử có thể được phân chia bất tận (1: 519-20)

2- Nguyên tử hằng chuyển động.

Khoa học gia thời HPB cũng tin rằng nguyên tử bất động, và khi âm điện tử được khám phá thì họ coi đó là chuyện huyễn hoặc. Vậy mà SD đã nói tới chuyện huyễn hoặc đó 9 năm trước khi nó xẩy ra:
“Huyền bí gia nói rằng trong mọi trường hợp khi vật chất tỏ ra trì trệ bất động, ấy là nó đang ở trạng thái tích cực nhất. Khúc gỗ hay cục đá bất động và không gì xuyên thấu được nó, dù vậy trên thực tế các nguyên tử của vật chuyển động không ngừng, mau lẹ tới nỗi với mắt thường, dường như nó tuyệt đối không có chút sinh đông. Xem xét vật ở một cảnh giới khác với ý niệm khác, thì khoảng cách giữa các hạt trong lúc chúng vận chuyển cũng bằng như khoảng trống giữa các tinh thể tuyết rơi hay các hạt mưa. Nhưng khoa vật lý sẽ coi điểu này là chuyện quái đản.” (1: 507-8).

Ngày nay khó mà tin rằng đã có lúc ý tưởng như vậy bị coi là quái dị. Theo SD, sự chuyển động không ngừng của nguyên tử trong cái mà ta gọi là chất đặc tuân theo luật chung trong vũ trụ, nói rằng trong thiên nhiên không có sự đứng yên hay ngừng chuyển động. Điều ấy phù hợp với quan điểm của Einstein:
“Những khảo sát khoa học cho thấy vật cực nhỏ cũng như vật cực lớn đều luôn chuyển vận, ta không thấy vật gì đứng yên. Vì vậy chuyển động phải được coi như là tính tự nhiên cũng như là hiện trạng thực của vật chất, là một trạng thái không cần lời giải thích, vì nó phát xuất từ ngay bản tính của vũ trụ, là cốt lõi của sự hiện tồn.” (2).
Trong SD (1: 14) HPB khẳng định rằng chuyển động trừu tượng tuyệt đối là biểu hiệu cho chính cái Vô Cùng.

3- Vật chất và năng lượng hoán đổi được cho nhau.

Ý này tuy không được người đương thời nhìn nhận bởi họ tin việc ấy không thể được, nhưng phương trình E = mc2 đã chứng tỏ được ý. Một cách diễn tả khác nói vật chất được bung ra. SD còn phân biệt lực và vật chất là hai mặt của cùng một chất liệu gọi là prakriti, cái sau này sinh từ vật chất nguyên thủy là mulaprakriti (1: 623).
Đoạn sau của SD đặc biệt lý thú chẳng những vì chữ nguyên tử năng (atomic energy) hàm ý nguyên tử chứa đựng năng lực, mà còn vì HPB xem ra là người đầu tiên dùng chữ mà ta rất quen thuộc ngày nay:
“Chuyển động sóng của những hạt sống động trở nên dễ hiểu khi bàn về phần lý thuyết của nguyên lý tinh thần căn bản, phổ quát, độc lập với vật chất của chúng ta, và biểu lộ thành nguyên tử năng chỉ nơi cõi trần của chúng ta.” (2.672)
Đã biết qua các điều trên, ta không còn ngạc nhiên khi nghe rằng các đại học và trường cao đẳng thường xuyên đặt mua SD; vào năm 1982 các giáo sư hóa học và sinh viên tại Massachussetts Institute of Technology (MIT), đang trù liệu kế hoạch nghiên cứu những tư  tưởng trong SD có liên quan đến ngành chuyên môn của họ. Năm 1988, một giáo sư đã từng góp phần trong việc chế tạo bom nguyên tử , nói rằng giáo sư và sinh viên tại MIT đã lập hội luyện kim và thường xuyên học bộ SD. Nhiều vị trong đó có ông và một số giáo sư hóa học, phần lớn là giảng sư MIT đã về hưu, gặp gỡ đều đặn nhằm thảo luận bộ SD tại Harvard Club ở New York.

II- Sinh Vật học

Sau việc khám phá cơ cấu DNA - chất căn bản của các di truyền thể  (đơn vị chứa tính di truyền) - trong tế bào, khoa di truyền học ngày nay là đề tài nóng bỏng đang được ráo riết nghiên cứu và được chú ý hơn bao giờ hết. Trong SD, HPB trình bầy rằng:
“Trọn chuyên đôi co giữa khoa học vật chất và huyền bí học nằm ở việc tin tưởng cùng chứng tỏ sự hiện hữu của thể sinh lực bên trong thể xác, độc lập đối với thể xác. bà chỉ rõ là linh hồn của tế bào trong thân xác, phần vật liệu tinh thần chế ngự vật liệu xác thịt nằm ở thể sinh lực, và nó là chìa khóa mà một ngày kia sẽ mở cửa vào vùng trời xa lạ, cái mà hiện giờ khoa học gọi là những bí ẩn của phôi học. Điểm này quan trọng tới mức nó thành một trong ba tiền đề trong cuốn 2 bộ SD, nói rằng thể sinh lực được tạo trước thể xác, là khuôn mẫu cho cái sau.” (2.149)
Ý tưởng một thể vô hình ấn định sự phát triển nẩy nở một thể hữu hình không còn là việc đáng cười chê, mà trở thành đề tài nghiên cứu nghiêm chỉnh. Năm 1984 hội Theosophy mở buổi hội thảo với giáo sư Rupert Sheldrake chuyên về sinh hóa, sinh học tế bào cũng như là hội viên hội Theosophy tại Anh. Ông trình bày thuyết của mình như sau:
“Tương tự như con người sống trong vùng hấp lực của trái đất, bị sức hút vô hình của trái đất giữ lại, thì mỗi sinh vật từ tinh thể đá tới cây cỏ, loài người, sống trong một vùng di truyền tạo hình. Đó là những cơ cấu xếp đặt nên hình dạng của tinh thể .v..v.; nó là cái mẫu mực cho mọi loài, theo đó từ tế bào đến trọn cơ thể một sinh vật được quản trị không phải bởi đặc tính di truyền về mặt hóa học (DNA) mà bởi ảnh hưởng của vùng này.
Hãy lấy thí dụ để làm rõ nghĩa hơn. Giả thử có một ai chưa hề biết điện hay truyền hình là gì, nay ta cho anh coi truyền hình lần đầu. Thoạt tiên anh có thể nghĩ máy chứa người thật bé tí, hình của họ hiện lên màn ảnh, nhưng sau khi nhìn vào ruột máy chỉ thấy dây điện cùng transistor. Thuyết xem ra hữu lý vì khi thay đổi cách ráp nối hay lấy đi một hay nhiều bộ phận  thì không còn hình, hình nhẩy hoặc bị mờ. Còn khi đề nghị rằng không chừng hình có được là do ảnh hưởng vô hình từ rất xa đi vào máy, anh lại gạt bỏ thuyết ấy ngay, lý luận rằng dù tắt hay bật (tiếp nhận hay không tiếp nhận làn sóng vô hình), máy cũng nặng như nhau.
Dây điện và các bộ phận trong máy tương tự với DNA, và không thể dùng các yếu tố di truyền để giải thích thỏa đáng việc thừa hưởng một loại thân xác và bản năng, chẳng khác nào hình ảnh trên truyền hình không thể đựơc cắt nghĩa bằng sơ đồ mạch điện trong máy.”
The American Theosophist, Dec 1984

Thuyết này đưa ra năm 1981 kích thích óc suy tưởng một số đông người, nên tờ New Scientist số ra ngày 28-10, 1982 treo giải thưởng 400$ cho ai nghĩ ra cách trắc nghịệm thuyết ấy, một giải khác 10,000$ cũng được đưa ra cho ai có cách chứng minh hay bác bỏ nó. Nếu đúng thuyết sẽ cách mạng, đảo lộn những khái niệm căn bản về tâm lý, tâm thức học, chẳng hạn ông nói có thể ký ức không được giữ trong não bộ mà được truyền thẳng vào đó từ vùng di truyền tạo hình do tính cảm ứng (resonance). Thuyết còn  được dùng để giải thích việc hai người khám phá cùng lúc một chuyện (như Newton và Lebnitz với cách lấy vi phân) và các vấn đề tâm lý khác. Bạn nào muốn đi sâu có thể đọc thêm tạp chí The American Theosophist – Special Fall 1983, hay quyển (3) cuối bài này.
Qua tới việc thể sinh lực là khuôn mẫu tạo hình cho thể xác, hai khoa học gia Harold F. Bur và S.S. Northrop của đại học Yale khám phá một cấu trúc điện trong thân xác mọi vật. Sau bốn năm nghiên cứu họ tường trình trên tờ New York Times số 25-4, 1939  rằng thân xác sinh vật có một cấu trúc điện, nó vạch nên mẫu mực và đường nét cho cá nhân ấy theo một đồ hình có sẵn và hiện diện trong cơ thể từ lúc đậu thai cho tới lúc chết. Trong lúc những phần trong cơ thể không ngừng thay đổi, bị thế chỗ bởi các tế bào mới thì cấu trúc điện này giữ nguyên suốt đời, tạo nên tế bào mới theo cùng cách của tế bào cũ, tức không ngừng tái tạo thân xác. Con người chết đi lúc cấu trúc điện trong người ngưng họạt động.
Giống như thỏi nam châm có từ trường cho tác dụng từ lực thì rất có thể mỗi sinh vật cũng có một điện trường với điện lực. Điện trường này sẽ uốn nắn vật liệu nào thì đi vào vùng ảnh hưởng theo mẫu mực của riêng nó, tựa như nhà điêu khắc bên trong thân xác chạm khắc lên đá ý tưởng của mình.
Báo New Scientist số 26-01-1982 đặt câu hỏi làm sao một địa hạt cho ra kết quả khích lệ như vậy lại có ít người theo đuổi nghiên cứu, và tự trả lời có thể đó là do khuynh hướng và thị hiếu vốn chế ngự mỗi ngành khoa học.

III- Vũ Trụ học

Để bắt đầu ta cần phải nói qua về thuyết Nổ Bùng (the Big Bang), nó coi vũ trụ khởi thủy từ sự nổ bùng nguyên tử, các thiên thể càng lúc càng bung rời xa nhau, hình ảnh tương tự như bạn thổi bong bóng có vẽ nhiều đốm trên màng cao su. Bong bóng càng phồng to thì khoảng cách giữa những đốm càng lớn; nếu muốn nhìn theo ba chiều thì hãy cho rằng ta đang nướng bánh nho, khi bánh nở hạt nho sẽ theo bột tách rời nhau đi khắp chỗ trong bánh. Cũng y vậy, trong vũ trụ hạt nho là các ngân hà, người ta thấy vũ trụ đang mở rộng với các ngân hà vùn vụt lướt ra ngoại biên.
Thuyết này thịnh hành một thời gian và gần đây bị xét lại, khoa học gia hiện thời theo khuynh hướng là vũ trụ không ngừng nở rộng rồi co thắt, không có thủy mà cũng không có chung. Stephen Hawking luận rằng cuộc nổ bùng vì vậy không phải xẩy ra mới lần đầu. Đọc trong SD (1: 3-4) ta thấy:
“Triết lý bí truyền, tựa như Phật giáo, Ấn giáo và kinh Kabalah của Do Thái giáo, dạy rằng có một phần tinh túy vô cùng tận không ai biết, hiện hữu mọi đời theo chuỗi đều đặn và nhịp nhàng, lúc năng động lúc nghĩ ngơi. Những trạng thái này gọi một cách văn hoa là ngày và đêm của Brahma, hay Brahma thức hoặc ngủ.
Khi bắt đẩu một chu kỳ linh họạt, triết lý bí truyền nói rằng cái tinh chất thiêng liêng ấy nở lớn từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, sự việc xẩy ra tuân theo luật bất diệt, không hề biến đổi và vũ trụ lần lượt tác động. Theo cách tương tự, khi tới giai đoạn ngơi nghỉ, tinh chất thiêng liêng co rút lại và công trình sáng tạo trước đó dần dẩn lỏng lẻo. Vũ trụ hữu hình rời rã, vật chất tan biến và chỉ còn lại bóng tối ngự trị một mình hố thẳm không gian. Sách xưa mô tả hiện tượng này một cách bóng bẩy mà rõ ràng là hơi thở ra của chất không tên tạo thành vũ trụ, còn hơi thở vào làm nó tan biến đi. Diễn trình này đã xẩy ra liên tục bất tận, và vũ trụ hiện tại của chúng ta chỉ là một trong những chuỗi bất tận, không có khởi đầu mà cũng không có chấm dứt.”

Thuyết Nổ Bùng hiện đang bị xét lại một cách kỹ lưỡng vì trái với giả thuyết là vũ trụ càng ngày càng nở lớn, các thiên thể càng lúc càng rời xa nhau, thì những quan sát gần đây cho thấy có một vùng trời gồm nhiều ngân hà đang tác động như là một tâm thu hút, kéo hàng triệu các ngân hà vào nơi đó, thế nên thuyết cho rằng sau sự nổ bùng vũ trụ sẽ tới lúc co rút được chú ý thêm, và như thế ý tưởng vũ trụ tái sinh theo chu kỳ có thể được ủng hộ, tán thành hơn.

Một việc tình cờ trong phòng thí nghiệm làm người ta càng chú ý đến thuyết vũ trụ tái sinh, cái mà vật lý gia David Bohm gọi là diễn trình tan nhập (enfolded order). Có một dụng cụ thí nghiệm gồm một ống hình trụ quay ở giữa lòng một bình, glycerine được rót đầy vào khoảng trống giữa ống và thành thủy tinh của bình. Trên đầu có một tay quay ống hình trụ và người ta nhỏ gịọt mực từ trên xuống glycerine, ông quan sát thấy khi ống xoay, mực đen tan nhập vào glycerine và loãng ra gần như không để lại dấu vết gì. Khi tay quay xoay ngược chiều, sự việc xảy ra như phép lạ, giọt mực ban đầu tái xuất hiện, nó được glycerine nhả ra, tái tạo lại chính mình và trở lại dạng liền lạc một thể như ban đầu; nếu ta thêm nhiều giọt mực tiếp nối nhau vào chất lỏng, kết quả cũng y vậy, mỗi giọt lại trở về hình thái cũ khi tay quay đi ngược. Ông tin rằng các hình tượng trong vũ trụ biểu lộ tương tự như là một khối chung, tan nhập rồi lại xuất hiện nữa, diễn biến tiếp theo thứ tự ấy không ngừng. Điều này hàm ý việc ta biến mất trên cõi đời (cái chết của thân xác con người, hay của thái dương hệ) không nhất thiết là chung cuộc cho chúng ta.

Để hướng dẫn và giúp đỡ nhân loại, một vài cuốn sách được viết ra trước thời đại của chúng, những quan niệm lạ lùng trong sách có thể không được đánh giá đúng mức và chưa được hiểu trọn lúc ấy, nhưng giá trị của sách lần lần sáng chói theo thời gian. Bộ SD nằm trong trường hợp đó, càng tiến thì khoa học và huyền học càng tiến lại gần nhau, khoa học gia càng ngày càng nói tới việc coi trọng sự sống dưới mọi hình thức thay vì chỉ trọng sự sống trong con người. Khoa học đang đặt câu hỏi liệu sự sống có trong muôn loài kể luôn đất đá thay vì chỉ có trong những hình dạng mà ta dễ nhận ra nhất như con người, thú vật, cỏ cây ? Việc bộ SD có phụ đề là tổng hợp khoa học, tôn giáo và triết lý dường như đã nói trước điều ấy như là chuyện tự nhiên phải đến trong sự phát triển của con người.

 

Lược dịch theo
HPB by Sylvia Cranston

Phụ chú:

1. These Amazing Electrons  (Raymond S. Yates)
2. The Theory of Relativity      (Garrett Service)
3. The Presence of the Past. Morphic Resonance and the Habit of Nature  (R. Sheldrake) -
Times Books 1988